Bốn ngày ở Triều Tiên… Cuộc hành trình tới “CÕI CHẾT” của sinh viên Mỹ

Chuyến du lịch 4 ngày ở Triều Tiên hơn một năm trước kết thúc bằng cái chết khi còn rất trẻ của Otto Warmbier.









 





Otto Warmbier vui chơi ở Triều Tiên trước khi bị bắt 



Mọi người đều vui vẻ tươi cười trong cái lạnh của Triều Tiên. Otto Warmbier, cùng với các du khách trong đoàn, ném một quả cầu tuyết trong video được quay vào chuyến du lịch 4 ngày 3 đêm cuối năm 2015.


Austin Warmbier, người công bố video, nói: “Đây là Otto mà tôi biết và yêu quý, anh trai tôi”.


Hai tháng sau, Otto lại xuất hiện trên một video, nhưng trong hoàn cảnh rất khác. Đầu cúi gằm, tay cầm “bản thú tội” đã được chuẩn bị từ trước, sinh viên Mỹ 21 tuổi đứng trước máy quay Triều Tiên để giải thích tại sao anh bị bắt khi kết thúc chuyến du lịch đó, trong khi những người khác được phép về nước.


Otto nói rằng anh đã cố trộm một biểu ngữ tuyên truyền từ khách sạn như một “chiến lợi phẩm” cho một nhà thờ Mỹ, với “sự thông đồng của chính quyền Mỹ” để “làm phương hại đến động lực và đạo đức làm việc của người dân Triều Tiên”.


Ngày 13/6, Otto Warmbier được đưa trở về Mỹ sau 17 tháng bị giam tại Triều Tiên trong tình trạng bị hôn mê và tổn thương thần kinh nặng. Một tuần sau, Otto qua đời. Gia đình cho rằng anh đã bị “ngược đãi khủng khiếp”.


Còn nhiều điều không rõ về chuyện đã xảy ra với Otto. Các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Cincinnati nói rằng họ không thấy có dấu hiệu Otto bị lạm dụng về thể chất nhưng họ và gia đình Otto không tin vào tuyên bố của Triều Tiên rằng anh bị ngộ độc thịt và rơi vào hôn mê sau khi dùng thuốc ngủ.


Otto Warmbier bật khóc trong buổi họp báo













Chuyến du lịch cuối cùng


Nhà của Otto sống tại một vùng ngoại ô Wyoming ở Cincinnati, Ohio. Bố của anh sở hữu một công ty nhỏ.


Otto từng học tại trường trung học tốt nhất trong bang và được bình chọn là nam sinh nổi bật nhất trong vũ hội của trường. Otto không chỉ được bạn bè quý mến mà còn học tập chăm chỉ. Anh tốt nghiệp với điểm cao thứ hai trong trường và còn chơi thể thao giỏi. Otto sau đó theo học ngành kinh tế và thương mại tại Đại học Virginia và cũng là một sinh viên ưu tú, theo Washington Post.


Tinh thần ham học hỏi và niềm yêu thích du lịch là những điều đưa Otto đến châu Á. Otto đã lên kế hoạch học tại một trường ở Hong Kong trong chương trình học tập nước ngoài vào tháng 1/2016 và quyết định đến Triều Tiên.


Otto đã liên lạc với một công ty lữ hành có trụ sở tại Trung Quốc là Young Pioneer Tours, nơi quảng cáo rằng họ “cung cấp các chuyên du lịch giá cả vừa phải đến những địa điểm mà mẹ bạn muốn bạn tránh xa”.


Danny Gratton, từ Staffordshire, Anh, đã ở cùng phòng với Otto trong chuyến du lịch ba đêm tới Triều Tiên. Otto và Danny là hai trường hợp hiếm hoi đi một mình, trong khi những người khác trong đoàn đi theo nhóm.


“Chúng tôi hợp nhau ngay từ khi vừa gặp. Cậu ấy thông minh, vui vẻ và dễ mến”, Gratton nói.


Vào giao thừa đón năm mới 2016, đêm thứ hai của chuyến đi, Otto được cho là đã lấy biểu ngữ tại khu vực dành riêng cho nhân viên của khách sạn quốc tế Yanggakdo. Trước đó, nhóm du khách đã đến thăm biên giới Triều Tiên – Hàn Quốc rồi đến quảng trường chính của Bình Nhưỡng, xem pháo hoa và uống bia, Gratton kể lại.


Gratton cho biết anh không thấy có dấu hiệu gì cho thấy Otto đã lấy biểu ngữ tuyên truyền của khách sạn và Otto cũng không nhắc đến việc đó. Chính phủ Triều Tiên đã công bố cảnh quay video cho thấy một người không nhìn rõ mặt gỡ bỏ biểu ngữ trong hành lang.


Warmbier bị cáo buộc gỡ bỏ biểu ngữ tuyên truyền tại khách sạn Triều Tiên















Kết thúc chuyến du lịch, Otto bị bắt khi đang cùng Gratton đi qua trạm kiểm soát xuất cảnh tại sân bay quốc tế Bình Nhưỡng ngày 2/1/2016.


“Chúng tôi là hai người cuối cùng đi qua khu kiểm soát hộ chiếu. Chúng tôi vừa đưa hộ chiếu thì nhân viên kiểm soát chỉ vào Otto và chỉ ra cửa. Hai nhân viên an ninh đến và đưa cậu ấy đi”, Gratton nói.


“Lúc đó tôi nói một cách trào phúng rằng ‘chúng tôi sẽ không gặp lại cậu nữa’. Cậu ấy cười với tôi và đó thực sự là lần cuối cùng chúng tôi nhìn thấy cậu ấy”.


“Họ đã quyết định bắt một người Mỹ, chỉ là cậu ấy đã ở sai chỗ vào sai thời điểm”, Gratton nói thêm.


Khi nhóm du khách về đến Bắc Kinh, một hướng dẫn viên du lịch được cho là đã nói chuyện với Otto qua điện thoại và Otto nói rằng anh “bị nhức đầu dữ dội và muốn được đưa đến bệnh viện”, Washington Post dẫn lời một du khách, cho biết.


Tuy nhiên, Troy Collings từ Young Pioneer Tours nói với BBC rằng không có nhân viên nào của hãng đã liên lạc trực tiếp với Otto sau khi sinh viên Mỹ này bị bắt. Một hướng dẫn viên ở Bình Nhưỡng đã cố liên lạc nhưng không được, ông nói.


Fred, bố của Otto nói rằng anh hôn mê một ngày sau khi bị tòa án Triều Tiên kết án 15 năm tù khổ sai vào tháng 3/2016.


Otto được đưa về nước trong tình trạng hôn mê











Stephan Haggard, giám đốc chương trình Triều Tiên – Thái Bình Dương tại Đại học California, San Diego, cho rằng tình báo Triều Tiên có thể đã giữ kín tình trạng sức khỏe của Otto, ngay cả với các quan chức cấp cao, vì lo sợ.


“Rồi ai đó nhận ra rằng điều tồi tệ nhất có thể xảy ra là cậu ấy chết trong khi bị giam giữ và cuống cuồng bắt đầu một nỗ lực ngoại giao để đưa cậu ấy ra khỏi quốc gia này”, ông nhận định.


Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua lên án Triều Tiên, nói rằng nước này “tàn bạo” trong vụ việc khiến Warmbier thiệt mạng. “Những điều tồi tệ đã xảy ra nhưng ít nhất chúng ta đưa được cậu ấy về nhà, bên bố mẹ”, ông Trump nói.




The post Bốn ngày ở Triều Tiên… Cuộc hành trình tới “CÕI CHẾT” của sinh viên Mỹ appeared first on Xe 365.

Bốn ngày ở Triều Tiên… Cuộc hành trình tới “CÕI CHẾT” của sinh viên Mỹ Bốn ngày ở Triều Tiên… Cuộc hành trình tới “CÕI CHẾT” của sinh viên Mỹ Reviewed by Unknown on 11:24 Rating: 5

Không có nhận xét nào